
Trước, chuyện treo cờ vàng trắng trong những dịp lễ lạt là chuyện hiếm phương chi đến chuyện cầm cờ nối đuôi nhau đón đoàn như bây giờ. Trên quãng đường về năm sáu cây số, hai bên cắm đầy cờ vì nơi đây đa số theo Công giáo. Quảng Phúc (Quảng Trạch) cùng với Phúc Trạch (Bố Trạch) là hai xã có tỷ lệ giáo dân gần như đứng đầu tỉnh Quảng Bình. Giáo dân chiếm 90% dân số, cư trú tại giáo xứ Đan Sa và Tân Mỹ, riêng giáo xứ Tân Mỹ có trên 4.700 giáo dân. Đây là cái nôi Công giáo Quảng Bình, đã được các vị thừa sai đặt nền móng sớm. Chính nơi này, hai vị thánh tử đạo Phêrô Borie Cao và thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự đã bị bắt để rồi sau đó bị giải về Đồng Hới.
Hơn nửa diện tích giáo xứ Tân Mỹ là những đồi cát trắng quanh năm vi vu gió thổi. Thơ văn đã nhắc tới khung cảnh “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” như là thứ đặc sản không thể thiếu của miệt duyên hải này.
Người dân Tân Mỹ chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Đã qua đi rồi một thời kỳ kinh tế khó khăn, giáo xứ hôm nay đang thay da đổi thịt mạnh mẽ. Trước cửa nhà thờ đã mọc lên vô số nhà cao tầng khang trang, đẹp mắt. Đời sống của người giáo dân không ngừng được nâng cao do người dân đã tận dụng ưu thế nằm ngay cửa biển sông Gianh, vay vốn mua sắm thêm tàu và dụng cụ để ra khơi bám biển, đánh bắt dài ngày.
Cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền thường ngày được thay thế bằng khung cảnh nơi thánh đường giáo xứ nằm ngay cửa Gianh. Khách khứa từ các xứ lân cận đã về để cùng tham dự tuần chầu đền tạ Thánh Thể của bà con Tân Mỹ. Đặc biệt hơn là sự hiện diện của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Hôm nay, ngài và các linh mục trong hạt Hướng Phương đến để cử hành thánh lễ bế mạc và ban phép thêm sức cho 222 em học sinh trong xứ đã hoàn thành khóa học giáo lý trước tết.
Hương vị mùa xuân đang lan toả khắp nơi. Đất trời Tân Mỹ như đang thay áo mới. Niềm vui đầu xuân ánh lên trên khuôn mặt mọi người và có một phút giây hồi hộp vì đây là lần đầu bà con tiếp đón Đức Cha mới. Vui nhất có lẽ là những thành viên đội trống được giao nhiệm vụ tấu lên những giai điệu chào mừng. Hầu hết thành viên đội trống đều là các mệ, các chị vì một lẽ đơn giản nam giới thường xuyên phải đi biển dài ngày. Không khí xuân len lỏi đến tận gia đình hòa nhập với niềm vui của tuần chầu đền tạ.
Những ước vọng đầu xuân
Chung một xứ đạo, từ Tân Mỹ nhìn sang bờ nam sông Gianh là giáo họ Thanh Hải nơi cha già F.X Nguyễn Văn Đoàn, 74 tuổi đang hưu dưỡng. Việc thành lập của họ đạo bên kia sông là cả một quá trình lịch sử gắn với biến cố chia đôi đất nước.
Thời điểm 1954, hiệp định Giơnevơ đã kéo theo sự di cư của hàng loạt giáo dân giáo phận Huế từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Giáo xứ Thanh Bồ cũng không nằm ngoài luồng di chuyển này, toàn bộ cư dân trong xứ đã di cư vào Nam thành lập trại định cư Thanh Bồ - Đức Lợi tại Đà Nẵng, tiền thân của giáo xứ Thanh Đức hiện nay.
Bên kia sông Gianh thuộc giáo phận Vinh, giáo họ Tân Thành (họ nhà xứ) cũng di cư vào Nam, một số ít nhập với Mỹ Hòa thành họ Tân Mỹ ngày nay. Một nhóm khác của Tân Thành vượt sông, lập nghiệp tại xóm Gát và phần đất cũ của Thanh Bồ. Đó là tiền thân họ đạo Thanh Hải của xứ Tân Mỹ ngày nay.

Khuôn viên nhà thờ Thanh Bồ hiện nay
Sau hơn năm mươi năm hình thành, giáo họ Thanh Hải đã phát triển vững mạnh. Những yêu cầu mới đang đặt ra với họ đạo này. Tâm sự với chúng tôi, anh Phêrô Trần Văn Minh, một giáo dân rất nhiệt thành trong công tác của họ đạo (anh là người theo đạo do hôn nhân) cho biết mong ước được thành lập thêm họ mới, tách từ Thanh Hải.
Anh Minh đã cung cấp những thông tin về giáo điểm Thanh Khê nơi anh sinh sống. Đây là khu dân cư sầm uất nằm bên cầu Thanh Ba, quốc lộ 1A thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Hiện đã có một cộng đoàn giáo dân đông đảo đang phải mượn tạm nhà anh chị Vincentê Nguyễn Phú Tuyn, gốc Báo Đáp (Nam Định) để sinh hoạt.

Nhà ông Tuyn - nơi sinh hoạt của giáo điểm Thanh Khê
“Cách đó khoảng dăm trăm mét có mảnh đất nhà thờ xưa của giáo xứ Thanh Bồ. Một hộ giáo dân cán bộ gốc giáo xứ Vĩnh Phước nay đã về hưu cư trú trên mảnh đất 2000m2 đó. Linh mục quản xứ Nguyễn Huy Hiền và cộng đoàn đang vận động để gia đình nhường lại mảnh đất cho Giáo Hội sử dụng”. Anh Minh cho biết thêm.
Không chỉ thành lập giáo họ mới Thanh Khê, những giáo dân nơi đây còn có nguyện vọng thiết lập nên một giáo xứ mà họ trị sở là Thanh Hải. Hiện nay, kể cả giáo điểm Thanh Khê thì họ đạo Thanh Hải đã xấp xỉ một ngàn người, thêm nữa lại cách xa nhà xứ Tân Mỹ chừng 20km đường bộ nếu như không đi thuyền.
Xuân về, người Công giáo Tân Mỹ đang sốt sắng dâng lên Chúa tâm tình tri ân muôn hồng ân Chúa ban trong năm cũ và tin tưởng phó thác, cậy trông ơn phù trợ của Chúa trong một năm tháng mới. Tuy chưa phải là giàu, nhưng cuộc sống cũng tạm coi là sung túc. Trong dòng nước cuồn cuộn chảy của dòng sông Gianh, một mùa xuân mới lại về như tiếp thêm sức sống để Tân Mỹ tiếp tục vươn lên.
Trần Đức Hà
Nguồn tin: giaophanvinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét